Phân tích kỹ thuật là gì ?

Phân tích kỹ thuật là gì ?

Phân tích kỹ thuật (TA), hay còn gọi là nghiên cứu biểu đồ, là một loại phân tích nhằm dự đoán hành vi thị trường trong tương lai dựa trên diễn biến giá cả và khối lượng giao dịch trước đó. Phương pháp TA được sử dụng trên các thị trường tài chính như Crypto, Forex, Chứng khoán, hàng hóa,… 

Trong khi phân tích cơ bản (FA), xem xét nhiều yếu tố xung quanh giá của một tài sản, phân tích kỹ thuật chỉ tập trung xem xét diễn biến giá cả trong lịch sử. Do đó, nó được sử dụng như một công cụ để kiểm tra các biến động giá cả và khối lượng giao dịch, và nhiều nhà giao dịch sử dụng phân tích này để xác định các xu hướng và các cơ hội giao dịch thuận lợi.

Mặc dù các hình thức phân tích kỹ thuật đầu tiên đã xuất hiện ở Amsterdam vào thế kỷ thứ 17 và ở Nhật Bản vào thế kỷ 18, phép phân tích kỹ thuật hiện đại thường được xem là bắt nguồn từ công trình của Charles Dow. Là một nhà báo về tài chính và người sáng lập tạp chí The Wall Street Journal, Dow là một trong những người đầu tiên nhận thấy rằng các tài sản và thị trường riêng lẻ thường biến động theo các xu hướng, các xu hướng đó có thể được phân khúc và kiểm tra. Công trình của ông sau đó đã khai sinh ra Lý thuyết Dow, lý thuyết này đã khuyến khích những phát triển về sau của phân tích kỹ thuật.

Trong giai đoạn đầu, cách tiếp cận thô sơ của phân tích kỹ thuật được dựa trên các bảng tính tự làm và các phép tính toán thủ công, nhưng với sự tiến bộ của công nghệ và điện toán hiện đại, phân tích kỹ thuật đã trở nên phổ biến và ngày nay nó là một công cụ quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư và các trader.

Phân tích kỹ thuật hoạt động như thế nào ? 

Phân tích kỹ thuật hoạt động dựa trên giả định rằng hoạt động giao dịch trong quá khứ và sự thay đổi giá của một tài sản có thể là những chỉ báo có giá trị về biến động giá trong tương lai, khi kết hợp với các quy tắc đầu tư hoặc giao dịch phù hợp. Phân tích kỹ thuật là sự phân tích các lực lượng thị trường của cung và cầu, là một đại diện cho tâm lý chung của thị trường. Nói cách khác, giá của một tài sản là sự phản ánh của các lực lượng mua và bán đối nghịch, và những lực lượng này liên quan chặt chẽ đến cảm xúc của các nhà giao dịch và nhà đầu tư (chủ yếu là các cảm xúc sợ hãi và tham lam).

Để kiểm tra các mức giá và để tìm ra các cơ hội thuận lợi, các nhà giao dịch sử dụng nhiều công cụ nghiên cứu biểu đồ, được gọi là các chỉ báo. Các chỉ báo phân tích kỹ thuật có thể giúp các nhà giao dịch xác định các xu hướng hiện có và đồng thời cung cấp các thông tin sâu sắc về các xu hướng có thể xuất hiện trong tương lai. 

Các loại chỉ báo thường được sử dụng:

  • Xu hướng giá cả
  • Các mẫu biểu đồ
  • Chỉ báo khối lượng và động lượng 
  • Fibonacci
  • Đường trung bình động
  • Mức hỗ trợ và kháng cự

Các giả định cơ bản của phân tích kỹ thuật

Charles Dow đã phát hành một loạt các bài xã luận thảo luận về lý thuyết phân tích kỹ thuật. Các bài viết của ông bao gồm hai giả định cơ bản đã tiếp tục hình thành khuôn khổ cho giao dịch phân tích kỹ thuật.

  1. Thị trường hiệu quả với các giá trị đại diện cho các yếu tố ảnh hưởng đến giá của chứng khoán, nhưng
  2. Ngay cả các biến động giá thị trường ngẫu nhiên dường như cũng di chuyển theo các mô hình và xu hướng có thể xác định được và có xu hướng lặp lại theo thời gian

Ngày nay lĩnh vực phân tích kỹ thuật được xây dựng dựa trên lý thuyết Dow. Các nhà phân tích chuyên nghiệp thường chấp nhận ba giả định chung cho lĩnh vực này:

  1. Thị trường phản ánh mọi thứ: Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng mọi thứ từ yếu tố cơ bản của công ty, các yếu tố thị trường rộng lớn, tâm lý thị trường đều đã được định giá vào cổ phiếu. Quan điểm này phù hợp với Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (EMH) giả định một kết luận tương tự về giá cả. Điều duy nhất còn lại là phân tích biến động giá, mà các nhà phân tích kỹ thuật xem như là sản phẩm của cung và cầu đối với một cổ phiếu cụ thể trên thị trường.
  2. Giá di chuyển theo xu hướng: Các nhà phân tích kỹ thuật kỳ vọng rằng giá, ngay cả trong các chuyển động thị trường ngẫu nhiên, sẽ thể hiện xu hướng bất kể khung thời gian được quan sát. Nói cách khác, giá cổ phiếu có nhiều khả năng tiếp tục xu hướng trong quá khứ hơn là biến động thất thường. Hầu hết các chiến lược giao dịch kỹ thuật đều dựa trên giả định này.
  3. Lịch sử có xu hướng tự lặp lại: Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng lịch sử có xu hướng tự lặp lại. Bản chất lặp đi lặp lại của các chuyển động giá thường được cho là do tâm lý thị trường, vốn có xu hướng rất dễ đoán dựa trên cảm xúc như sợ hãi hoặc phấn khích. Phân tích kỹ thuật sử dụng các mẫu biểu đồ để phân tích những cảm xúc này và các chuyển động thị trường tiếp theo để hiểu xu hướng. Trong khi nhiều hình thức phân tích kỹ thuật đã được sử dụng trong hơn 100 năm, chúng vẫn được cho là hiệu quả vì chúng minh họa các mẫu hình biến động giá thường lặp lại.

So sánh Phân tích kỹ thuật và Phân tích cơ bản trong thị trường Crypto

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai trường phái đối lập nhau khi tiếp cận thị trường tài chính nói chung và Crypto nói riêng. Phân tích cơ bản là một phương pháp đánh giá một đồng coin hoặc token bằng cách cố gắng đo lường giá trị nội tại của chúng như công nghệ, nền tảng, các quỹ đầu tư, cộng đồng, end user, tiềm năng ứng dụng trong thế giới thực,…  Còn giả định cốt lõi của phân tích kỹ thuật là gì? Đó là tất cả các nguyên tắc cơ bản đã biết đều được tính vào giá cả; do đó, không cần phải chú ý đến chúng. Các nhà phân tích kỹ thuật không cố gắng đo lường giá trị nội tại của một đồng coin hay token, mà thay vào đó, sử dụng biểu đồ và chỉ báo để xác định các mẫu và xu hướng có thể đề xuất những gì đồng coin hay token sẽ đạt đến trong tương lai. 

Việc kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ là một lựa chọn hợp lý (đặc biệt trong thị trường Crypto) đối với các trader và nhà đầu tư.

Bài viết mới
Tin nổi bật