Giới thiệu về Lý thuyết Dow

Về cơ bản, Lý thuyết Dow là một khung phân tích kỹ thuật, dựa trên các bài viết của Charles Dow về lý thuyết thị trường. Dow là người sáng lập và biên tập viên của Tạp chí Phố Wall và nhà đồng sáng lập của Dow Jones & Company. Là một phần của công ty, ông đã giúp tạo ra chỉ số chứng khoán đầu tiên, được gọi là Chỉ số Vận tải Dow Jones (DJT), theo sau là chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJIA).

Dow không bao giờ viết ý tưởng của mình như một lý thuyết cụ thể và không đề cập đến chúng như vậy. Tuy nhiên, nhiều người đã học hỏi được nhiều điều từ các bài xã luận của ông trên Tạp chí Phố Wall. Sau khi ông qua đời, các biên tập viên khác, như William Hamilton, đã chỉnh sửa những ý tưởng này và sử dụng các bài xã luận của ông để tổng hợp cái mà ngày nay được gọi là Lý thuyết Dow.

Bài viết này giới thiệu về Lý thuyết Dow, thảo luận về các giai đoạn khác nhau của xu hướng thị trường dựa trên các ý tưởng của Dow. Như với bất kỳ lý thuyết nào, các nguyên tắc sau đây có thể không hoàn toàn chính xác và có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.

Các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow

Thị trường phản ánh tất cả mọi thứ

Nguyên tắc này được liên kết chặt chẽ với cái gọi là Giả thuyết thị trường hiệu quả (EMH). Dow tin rằng thị trường giảm giá mọi thứ, có nghĩa là tất cả các thông tin có sẵn đã được phản ánh trong giá.

Ví dụ, nếu một công ty được dự kiến sẽ phát hành báo cáo cho thấy doanh thu cao hơn, thị trường sẽ phản ánh điều này trước khi nó xảy ra. Nhu cầu đối với cổ phiếu của họ sẽ tăng trước khi báo cáo được phát hành, và sau đó giá có thể không thay đổi nhiều sau khi báo cáo cuối cùng được đưa ra.

Trong một số trường hợp, Dow quan sát thấy rằng giá cổ phiếu của một công ty có thể giảm ngay sau khi tin tức tốt được đưa ra, vì nó không tốt như mong đợi. Nhiều nhà giao dịch (trader) và nhà đầu tư vẫn tin tưởng nguyên tắc này, đặc biệt bởi những người sử dụng nhiều các phương pháp phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên, những người ưa thích phân tích cơ bản hơn thì không đồng ý và tin rằng giá trị thị trường không phản ánh giá trị nội tại của một cổ phiếu.

Một số người cho rằng chính các bài viết của Dow là nguyên nhân dẫn đến khái niệm xu hướng thị trường, hiện được coi là một thành phần thiết yếu của thế giới tài chính. Lý thuyết Dow nói rằng có ba loại xu hướng thị trường chính:

  • Xu hướng chính – Kéo dài từ vài tháng đến nhiều năm, đây là chuyển động lớn của thị trường.
  • Xu hướng cấp hai – Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
  • Xu hướng cấp ba – Có xu hướng chết trong vòng chưa đầy một tuần hoặc không quá mười ngày. Trong một số trường hợp, chúng có thể chỉ kéo dài trong một vài giờ hoặc một ngày.

Bằng cách kiểm tra các xu hướng khác nhau này, các nhà đầu tư có thể tìm thấy cơ hội. Trong khi điều quan trọng cần xem xét là xu hướng chính, các cơ hội thuận lợi có thể xảy ra khi xu hướng cấp hai và xu hướng cấp ba dường như mâu thuẫn với xu hướng chính. Ví dụ, nếu bạn tin rằng một loại tiền mã hóa có xu hướng chính tích cực nhưng có xu hướng cấp 2 và cấp 3 tiêu cực, bạn có thể có cơ hội mua nó ở mức giá tương đối thấp và bán nó ngay khi giá trị của nó tăng. Vấn đề là bạn cần nhận ra mình đang quan sát loại xu hướng nào và đó là thời điểm để vận dụng phân tích kỹ thuật sâu hơn. Ngày nay, các nhà đầu tư và nhà giao dịch sử dụng một loạt các công cụ phân tích để giúp nhận ra họ đang xem xét loại xu hướng nào.

Dow xác định rằng các xu hướng chính dài hạn có ba giai đoạn. Ví dụ, trong một thị trường tăng trưởng (bull market), các giai đoạn sẽ là:

  • Tích lũy – Sau giai đoạn thị trường đi xuống (bear market) trước đó, định giá tài sản vẫn còn thấp do tâm lý thị trường chủ yếu là tiêu cực. Các trader và các nhà tạo lập thị trường thông minh bắt đầu tích lũy trong giai đoạn này, trước khi các tài sản có sự tăng giá đáng kể.
  • Sự tham gia của công chúng – Nhiều người tham gia thị trường đã nhận ra cơ hội mà các trader thông minh đã quan sát thấy và mọi người ngày càng trở nên tích cực trong việc mua vào. Trong giai đoạn này, giá có xu hướng tăng nhanh.
  • Dư thừa & phân phối – Trong giai đoạn thứ ba, công chúng vẫn tiếp tục đầu cơ, nhưng xu hướng đã gần kết thúc. Các nhà tạo lập thị trường bắt đầu phân phối cổ phần của họ, tức là bằng cách bán cho những người tham gia khác vẫn chưa nhận ra rằng xu hướng sắp đảo ngược.

Trong một thị trường đi xuống, các giai đoạn về cơ bản sẽ bị đảo ngược. Xu hướng sẽ bắt đầu từ việc những người đã nhận ra dấu hiệu đi xuống sẽ phân phối các tài sản của mình và sau đó là công chúng sẽ tham gia vào thị trường. Trong giai đoạn thứ ba, công chúng sẽ thoái chạy, nhưng các nhà đầu tư có thể thấy sự thay đổi sắp tới sẽ bắt đầu tích lũy trở lại. Không có gì đảm bảo rằng nguyên tắc này sẽ đúng, nhưng hàng ngàn trader và các nhà đầu tư đều quan sát các giai đoạn này trước khi hành động. Đáng chú ý, Phương pháp Wyckoff cũng dựa trên các ý tưởng tích lũy và phân phối để mô tả một khái niệm gần giống về chu kỳ thị trường (chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác).

Tương quan giữa các chỉ số

Dow tin rằng các xu hướng chính trên một chỉ số thị trường nên được xác nhận bởi các xu hướng quan sát được trên một chỉ số thị trường khác. Tại thời điểm của đề xuất này, các chỉ số được nhắc đến chủ yếu là Chỉ số Vận tải Dow Jones và Trung bình Công nghiệp Dow Jones.

Trước đó, thị trường vận tải (chủ yếu là đường sắt) gắn liền với hoạt động công nghiệp. Điều này là bởi, để sản xuất nhiều hàng hóa hơn, trước tiên cần phải tăng hoạt động đường sắt để cung cấp nguyên liệu thô cần thiết.

Như vậy, có một mối tương quan rõ ràng giữa ngành sản xuất và thị trường vận tải. Nếu một thị trường tăng trưởng thì thị trường kia cũng vậy. Tuy nhiên, nguyên tắc tương quan giữa các chỉ số này ngày nay không còn phù hợp vì nhiều hàng hóa là kỹ thuật số và không yêu cầu giao hàng thực tế.

Khối lượng là yếu tố quan trọng

Như nhiều nhà đầu tư hiện nay, Dow đã tin rằng khối lượng là một chỉ số phụ quan trọng, có nghĩa là một xu hướng mạnh mẽ phải đi kèm với khối lượng giao dịch lớn. Khối lượng càng lớn, các chuyển động càng có nhiều khả năng phản ánh xu hướng thực sự của thị trường. Khi khối lượng giao dịch thấp, chuyển động của giá có thể không mô tả xu hướng thị trường thực sự.

Dow tin rằng nếu thị trường đang có xu hướng đi lên hoặc đi xuống, nó sẽ tiếp tục xu hướng đó. Vì vậy, ví dụ, nếu cổ phiếu của một doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng tăng lên sau tin tức tích cực, nó sẽ tiếp tục theo xu hướng này cho đến khi nó thể hiện một xu hướng đảo ngược.

Vì điều này, Dow tin rằng nên nghi ngờ các xu hướng đảo ngược cho đến khi chúng được xác nhận là xu hướng chính mới. Tất nhiên, việc phân biệt giữa một xu hướng cấp hai và việc bắt đầu một xu hướng chính mới là không dễ dàng, và các nhà giao dịch thường nhầm lẫn các xu hướng đảo ngược mà cuối cùng chỉ là xu hướng cấp hai.

Áp dụng lý thuyết Dow cho giao dịch tương lai

Lý thuyết Dow xem xét hành vi của các chỉ số trung bình chứng khoán. Mặc dù công trình của ông vốn được áp dụng cho thị trường hàng hóa tương lai nhưng vẫn tồn tại một số điểm khác biệt quan trọng giữa giao dịch chứng khoán và tương lai. Thứ nhất, Dow cho rằng đa số các nhà giao dịch chỉ đi theo những xu hướng chính và sử dụng sự hiệu chỉnh trung gian để xác định thời điểm. Dow cho rằng những xu hướng nhỏ đóng vai trò không quan trọng. Hiển nhiên, trường hợp này không xảy ra trong giao dịch tương lai vì các nhà giao dịch theo xu hướng sử dụng các xu hướng trung gian thay vì xu hướng chính. Những nhà giao dịch loại này phải đặc biệt chú ý đến những dao động nhỏ để xác định thời điểm, nên kỳ vọng một xu hướng tăng cấp trung sẽ kéo dài trong vài tháng, các nhà giao dịch tương lai sẽ chờ đợi một vùng đáy ngắn hạn làm tính hiệu mua, trong những xu hướng giảm giá trung hạn, các nhà giao dịch dựa trên những đợt phục hồi nhỏ để xác định tín hiệu bán khống. Chính vì thế mà những xu hướng nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong giao dịch tương lai.

Kết luận

Một số nhà phê bình cho rằng Lý thuyết Dow đã lỗi thời, đặc biệt là liên quan đến nguyên tắc tương quan giữa nhiều chỉ số (trong đó nêu rõ rằng một chỉ số hoặc trung bình phải hỗ trợ cho một chỉ số khác). Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư coi Lý thuyết Dow vẫn rất hữu ích cho đến nay. Không chỉ vì nó liên quan đến việc xác định các cơ hội tài chính, mà còn bởi vì khái niệm về xu hướng thị trường mà các tác phẩm của Dow đã chỉ ra.

Nguồn: academy; thebank; traderviet

Bài viết mới
Tin nổi bật