Giao dịch Ký quỹ (Margin Trading)

Giao dịch ký quỹ là một phương pháp giao dịch tài sản bằng cách sử dụng nguồn tiền do bên thứ ba cung cấp. So với các tài khoản giao dịch thông thường, tài khoản ký quỹ cho phép các nhà giao dịch tiếp cận được số vốn lớn hơn, cho phép họ nâng cao vị thế của mình. Về cơ bản, giao dịch ký quỹ làm khuếch đại kết quả giao dịch. Từ đó, các nhà giao dịch có thể nhận được lợi nhuận lớn hơn trên các giao dịch thành công. Khả năng mở rộng kết quả giao dịch này khiến giao dịch ký quỹ trở nên đặc biệt phổ biến trong các thị trường biến động thấp, đặc biệt là thị trường Forex quốc tế. Tuy nhiên, giao dịch ký quỹ cũng được sử dụng trong thị trường chứng khoán, hàng hóa và tiền mã hoá.

Trong các thị trường truyền thống, các khoản vay thường do một nhà môi giới đầu tư cung cấp. Trong giao dịch tiền mã hoá, tiền thường do các nhà giao dịch khác – những người kiếm được tiền lãi đối với tiền ký quỹ mà họ cung cấp dựa trên nhu cầu thị trường. Ngoài ra, một số sàn giao dịch tiền mã hoá cũng cung cấp tiền ký quỹ cho người dùng của họ.

Giao dịch ký quỹ hoạt động như thế nào?

Khi bắt đầu giao dịch ký quỹ, người giao dịch sẽ được yêu cầu bỏ ra một khoản tiền tương đương với một tỷ lệ phần trăm của tổng giá trị lệnh đặt. Khoản đầu tư ban đầu này được gọi là ký quỹ và nó liên quan chặt chẽ đến khái niệm đòn bẩy. Nói cách khác, tài khoản giao dịch ký quỹ được sử dụng để tạo giao dịch đòn bẩy và đòn bẩy mô tả tỷ lệ vốn vay so với ký quỹ. Ví dụ: để mở giao dịch 100.000 đô-la với tỷ lệ đòn bẩy 10:1, một nhà giao dịch sẽ cần phải cam kết 10.000 đô-la vốn của họ. Dĩ nhiên, các sàn giao dịch và thị trường khác nhau cung cấp một bộ quy tắc và tỷ lệ đòn bẩy riêng biệt. Ví dụ, trong thị trường chứng khoán, 2:1 là tỷ lệ điển hình, trong khi các hợp đồng tương lai thường được giao dịch ở mức đòn bẩy 15:1. Đối với môi giới Forex, giao dịch ký quỹ thường sử dụng đòn bẩy theo tỷ lệ 50:1, nhưng trong một số trường hợp cũng sử dụng cả tỉ lệ 100:1 và 200:1. Trong thị trường tiền mã hoá, các tỷ lệ này thường dao động từ 2:1 đến 100:1 và cộng đồng giao dịch thường sử dụng thuật ngữ ‘x’ (2x, 5x, 10x, 50x…).

Giao dịch ký quỹ có thể được sử dụng để mở cả hai vị thế mua và bán khống (long và short). Vị thế mua khống (long) cho thấy giả định rằng giá của tài sản sẽ tăng lên, trong khi vị thế bán khống (short) phản ánh điều ngược lại. Trong khi vị thế ký quỹ được mở, tài sản của người giao dịch đóng vai trò là tài sản thế chấp cho các khoản vay. Các nhà giao dịch cần hiểu rõ điều này, vì hầu hết các nhà môi giới đều có quyền buộc bán các tài sản này trong trường hợp thị trường di chuyển ngược lại vị thế của họ (trên hoặc dưới một ngưỡng nhất định).

Chẳng hạn, nếu một nhà giao dịch mở một vị thế đòn bẩy mua khống, họ có thể bị yêu cầu gửi thêm tiền vào tài khoản ký quỹ khi giá giảm đáng kể. Cuộc gọi ký quỹ xảy ra khi một nhà giao dịch được yêu cầu gửi thêm tiền vào tài khoản ký quỹ của họ để đạt được các yêu cầu giao dịch ký quỹ tối thiểu. Nếu nhà giao dịch không làm như vậy, tài sản của họ sẽ tự động được thanh lý để bù lỗ. Thông thường, điều này xảy ra khi tổng giá trị của tất cả các cổ phiếu trong tài khoản ký quỹ, còn được gọi là ký quỹ thanh khoản, giảm xuống dưới mức tổng yêu cầu ký quỹ của sàn giao dịch hoặc nhà môi giới cụ thể nào đó.

Các thuật ngữ trong giao dịch ký quỹ

Giao dịch ký quỹ là dịch vụ cho phép nhà đầu tư vay tiền với tỷ lệ hỗ trợ của công ty chứng khoán mua cổ phiếu có sử dụng hạn mức tín dụng bằng cách thế chấp tài sản đảm bảo.

  • Tài sản đảm bảo bao gồm toàn bộ tài sản có trong tài khoản chứng khoán của bạn bao gồm: tiền mặt, chứng khoán, cổ tức, quyền mua cổ phiếu và các tài sản khác được công ty chứng khoán chấp nhận…
  • Tỷ lệ nợ (hay tín dụng ): là tỷ lệ phần trăm giữa Tổng dư nợ vay/ Tổng giá trị được phép vay của chứng khoán ký quỹ. Cần phải lưu ý, giao dịch ký quỹ chỉ được thực hiện khi giao kết hợp đồng với công ty chứng khoán.
  • Tỷ lệ ký quỹ (tỷ lệ hỗ trợ) cho một tài khoản chứng khoán hoặc mã chứng khoán cao nhất thường là 50%, thấp nhất là 0%.
  • Tỷ lệ hỗ trợ 50% ( 1:1) tức là với 1 giá trị mua là 100 triệu, tối đa nhà đầu tư phải bỏ ra 50triệu và đi vay 50triệu còn lại.
  • Tỷ lệ hỗ trợ 0% tức là nhà đầu tư phải dùng tiền thật để mua chứng khoán.

Ưu và nhược điểm của giao dịch ký quỹ

Ưu điểm rõ ràng nhất của giao dịch ký quỹ là nó có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn do mang lại giá trị lớn hơn trong các vị thế giao dịch. Ngoài ra, giao dịch ký quỹ có thể hữu ích cho việc đa dạng hóa khoản đầu tư, vì các nhà giao dịch có thể mở nhiều vị thế với các khoản đầu tư tương đối nhỏ. Cuối cùng, có một tài khoản ký quỹ có thể giúp các nhà giao dịch dễ dàng mở các vị thế một cách nhanh chóng mà không phải chuyển một khoản tiền lớn vào tài khoản của họ. Bất chấp tất cả những ưu điểm này, giao dịch ký quỹ cũng có những nhược điểm rõ ràng như làm tăng mức thua lỗ – giống như cách nó có thể làm tăng lợi nhuận. Không giống như giao dịch trong ngày thông thường, khi thực hiện giao dịch ký quỹ, nhà giao dịch có thể chịu mức thua lỗ vượt quá khoản đầu tư ban đầu, do đó, nó được coi là phương thức giao dịch có rủi ro cao. Tùy thuộc vào số lượng đòn bẩy của một giao dịch, kể cả một sự sụt giảm nhỏ trong giá thị trường cũng có thể gây ra khoản lỗ đáng kể với các nhà giao dịch. Vì lý do này, các nhà đầu tư, những người quyết định sử dụng phương thức giao dịch ký quỹ, cần sử dụng các chiến lược quản lý rủi ro phù hợp với các công cụ giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như các lệnh dừng giới hạn.

Giao dịch ký quỹ trong thị trường tiền mã hoá

Về bản chất, giao dịch ký quỹ vốn rủi ro hơn giao dịch thông thường, nhưng trong lĩnh vực tiền mã hoá, mức độ rủi ro này thậm chí còn cao hơn. Do độ biến động cao – vốn là một trong những tính chất quen thuộc của thị trường này, các nhà giao dịch ký quỹ tiền mã hoá cần đặc biệt cẩn thận. Mặc dù có các chiến lược phòng ngừa rủi ro và quản lý rủi ro. giao dịch ký quỹ vẫn chắc chắn là không phù hợp với những người mới bắt đầu. Việc có thể phân tích biểu đồ, xác định xu hướng và xác định điểm vào và thoát sẽ không loại bỏ các rủi ro liên quan đến giao dịch ký quỹ, nhưng nó có thể giúp dự đoán tốt hơn các rủi ro và giao dịch hiệu quả hơn. Vì vậy, trước khi sử dụng đòn bẩy trong các giao dịch mã hoá, các nhà giao dịch trước hết nên hiểu sâu về phân tích kỹ thuật và có kinh nghiệm tương đối sâu sắc về giao dịch trong ngày.

Tài trợ ký quỹ

Đối với các nhà đầu tư không có khả năng chấp nhận rủi ro để tự tham gia giao dịch ký quỹ, có một cách khác để kiếm lợi từ các phương thức giao dịch sử dụng đòn bẩy. Một số nền tảng giao dịch và sàn giao dịch tiền mã hoá cung cấp một tính năng được gọi là tài trợ ký quỹ, tại đây người dùng có thể dùng tiền của mình để tài trợ cho các giao dịch ký quỹ của người dùng khác.

Quá trình này thường tuân theo các điều khoản cụ thể và mang lại lãi suất động. Nếu một nhà giao dịch chấp nhận các điều khoản và nhận lời đề nghị, nhà tài trợ quỹ có quyền trả nợ khoản vay với lãi suất đã thỏa thuận. Mặc dù các sàn giao dịch khác nhau có các cơ chế khác nhau, nhưng rủi ro của việc cung cấp tiền ký quỹ là tương đối thấp, do thực tế là các vị thế đòn bẩy có thể bị bắt buộc thanh lý để ngăn thua lỗ quá mức. Tuy nhiên, việc tài trợ ký quỹ yêu cầu người dùng trữ tiền của họ trong ví sàn giao dịch. Vì vậy, người dùng cần xem xét các rủi ro liên quan và hiểu cách thức hoạt động của tính năng này trên sàn giao dịch mà họ chọn.

Tổng kết

Giao dịch ký quỹ chắn chắn là một công cụ hữu ích cho những người muốn gia tăng lợi nhuận từ các giao dịch thành công. Nếu được sử dụng đúng cách, giao dịch đòn bẩy được cung cấp bởi các tài khoản ký quỹ có thể giúp tăng lợi nhuận cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, như đã đề cập, phương thức giao dịch này cũng có thể gia tăng khoản lỗ và có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, chỉ những nhà giao dịch có kỹ năng cao mới nên sử dụng nó. Khi được sử dụng trong thị trường tiền mã hoá, nhà giao dịch còn cần tiếp cận giao dịch ký quỹ cẩn thận hơn do mức độ biến động cao của thị trường.

Nguồn: academy; chungkhoan

Bài viết mới
Tin nổi bật